Kinh nghiệm du lịch Cần thơ
DU LỊCH CẦN THƠ
1. Đi Cần Thơ khi nào?
Khí hậu Cần Thơ điều hoà dễ chịu, ít bão. Quanh năm nóng ẩm, không có mùa lạnh. Mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 tới tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình là 27ºC.
2. Phương Tiện
Phương tiện di chuyển
Có 2 phương tiện chủ yếu để du khách mọi miền đến với đất Cần Thơ:
Hàng không: 2 hãng hàng không khai thác chuyến bay Hà Nội – Cần Thơ.
Vietnam Airlines: Giá dao động từ 2.400.000 đến 4.500.000 đồng một cặp vé khứ hồi. Ngoài ra, hãng còn khai thác các chuyến bay từ Cần Thơ đến Phú Quốc, Côn Đảo và ngược lại.
Vietjet Air: khai thác chuyến bay Hà Nội – Cần Thơ với giá trong khoảng 1.800.000 – 2.700.000 đồng một cặp vé vé khứ hồi. Du khách miền Trung cũng dễ dàng đến với Cần Thơ bằng chuyến bay Cần Thơ – Đà Nẵng bắt đầu phục vụ từ tháng 7/2014.
Đường bộ: Ôtô là phương tiện chủ yếu được hầu hết mọi người sử dụng tại miền Tây. Mất khoảng hơn 3 giờ từ TP Hồ Chí Minh, du khách đã đến được với Cần Thơ. Các hãng xe khách uy tín, nổi tiếng chuyên phục vụ du khách tuyến TP Hồ Chí Minh – Cần Thơ và ngược lại như Thành Bưởi, Phương Trang… (Cả 2 hãng xe đều có dịch vụ đưa đón khách tại nhà trong phạm vi 10 km). Giá vé dao động chỉ từ 130.000 – 140.000 đồng một vé.
Hầu hết việc di chuyển ở khu vực miền Tây đều di chuyển bằng Ôtô. Các bạn có thể ra bến xe miền Tây (địa chỉ: 395 Kinh Dương Vương, phường An Lạc, Quận Bình Tân Tp.HCM) để mua vé hoặc liên hệ các xe chuyên chạy tuyến Sài Gòn – Cần Thơ như:
– Xe Phương Trang:
Sài Gòn: 272 Đề Thám, quận 1. ĐT: (08) 38375570. Khởi hành tại bến xe miền Tây từ 7h sáng đến 10 giờ tối.
Cần Thơ: Khởi hành tại bến xe Nguyễn Trãi (ngã tư đường Hùng Vương) cứ nửa tiếng là có một chuyến. Giá vé khoảng 80.000đ, chạy 4 tiếng.
Xe Hoàng Long:
Sài Gòn: Phòng vé Bến Xe Miền Đông, ĐT – (08)35113113. Văn phòng 47Phạm Ngũ Lão Q1 (08)39151818.
Cần Thơ: Bến xe lộ 91B
Xe Mai Linh:
Tổng đài đặt vé tại Sài Gòn: (08) 39 29 29 29. Đường dây nóng: 0985 29 29 29.
Tuyến Sài Gòn – Cần Thơ: Xe 15 chỗ và 45 chỗ chạy đan xe nhau 15 phút xuất bến một chuyến hàng ngày, 24/24. Giá vé 75.000đ.
Nét độc đáo của Cần Thơ là mạng lưới kênh rạch chằng chịt.
Phương tiện di chuyển của người dân Cần Thơ chủ yếu là ghe thuyền
3. Khách Sạn, nơi lưu trú
Một số khách sạn ở Cần Thơ bạn có thể tham khảo
– Khách sạn Ninh Kiều – 2A Hai Bà Trưng, Ninh Kiều, Cần Thơ. ĐT: 0710 3817 676
– Khách Sạn Victoria Cần Thơ – Khu Du lịch Cái Khế, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ. ĐT: 0710 3810 111
– Khách Sạn Tân – 5 Thủ Khoa Huân, Tân An, Ninh Kiều, Cần Thơ. ĐT: 0710 3812 750
– Khách Sạn Kim Thơ – 1 Ngô Gia Tự, Tân An, Ninh Kiều, Cần Thơ. ĐT: 0710 3817 517
– Khách Sạn 31 – 31 Ngô Đức Kế, Tân An, Ninh Kiều, Cần Thơ. ĐT: 0710 3825 287
– Khách Sạn Hòa Bình, Nhà Hàng 38 -5 Hoà Bình, Tân An, Ninh Kiều, Cần Thơ.
ĐT: 0710 3825 417
– Khách Sạn Huy Hoàng – 33 Ngô Đức Kế, Tân An, Ninh Kiều, Cần Thơ. ĐT: 0710 3825 833
Bến Ninh Kiều
4. Ăn gì?
Cần Thơ có rất nhiều quán ăn ngon và rẻ, buổi tối bạn có thể ăn tối trên du thuyền chạy dọc sông hậu rất thú vị.
– Cá sông ở Cần Thơ to, thịt chắc, lại rẻ.
– Bánh cống Cần Thơ: Gọi là bánh cống (hay cóng) vì khuôn bánh là một dụng cụ đo lường có hình ống. Bánh có hình ống thấp hoặc hình tròn hơi phồng, chiên dòn ngoài, trong mềm xốp, khi ăn cắt nhỏ kèm với rau sống các loại, nước mắm pha chua ngọt, đồ chua.
– Bánh xèo: Nguyên liệu để làm bánh xèo là bột gạo pha với nước cốt dừa, nghệ, tôm, thịt… Bánh xèo cuốn bánh tráng ăn kèm với các rau sống (cải bẹ xanh cay, xà lách, rau thơm tía tô, húng quế, húng lủi, dấp cá, chuối chát, khế cắt lát mỏng dài…) Tùy khẩu vị, có thể chấm bánh xèo với nước mắm hay tương bắc.
– Cá lóc nướng trui: Cá lóc nướng trui (ngon nhất là nướng với rơm), món ăn đã có từ ngày khai phá đất Phương Nam – với hương vị đậm đà mà biết bao du khách khi đến Cần Thơ muốn thưởng thức.
– Ốc nướng tiêu: Đến Cần Thơ không thể không thưởng thức món ốc nướng tiêu. Ốc được luộc sơ rồi cho lên nướng, vừa nướng vừa cho nước mắm, tiêu, tỏi vào trong cho đến khi nước bên trong hơi cạn xuống thì dọn ra là ăn.
– Bún tôm khô – Cái Răng: Bán từ chục năm nay, bún tôm khô đã trở thành thương hiệu được nhiều người ưa thích.
Địa chỉ: Chợ Cái Răng, số 35/4, đường Lý Thường Kiệt, phường Lê Bình, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Mỗi ngày, quán bán từ 6 giờ tới 9-10h sáng hết hàng.
– Chuột nướng chao: nghe thì ghê nhưng lại là món ăn độc đáo, dân dã nhưng không kém phần hấp dẫn ở miền sông nước này. Chuột nướng chao là món nhậu mà những tay sành điệu rất thích. Bạn có thể đến các nhà hàng đặc sản ở Cần Thơ hoặc Vị Thanh, Phụng Hiệp… để thưởng thức món ăn dân dã ngon, lạ và giá cả cũng rất bình dân.
Bánh xèo Cần Thơ
– Để thưởng thức những món trên, có thể ghé bất kỳ nhà hàng nào ở Cần Thơ. Ngoài ra còn có một số con đường gắn với những món ăn đặc trưng như:
+ Lẩu mắm – quán Dạ Lý trên đường 3/2. Đây là quán mở khá lấu và có thâm niên trong việc nấu lẩu mắm. Nhiều người còn cho rằng: “Đến Cần Thơ mà chưa ăn lẩu mắm Dạ Lý coi như là chưa đến Cần Thơ”.
Lẩu mắm Cần Thơ
+ Đường Lý Tự Trọng: ở hẻm 1 có quán Lẩu Vịt Nấu Chao rất ngon. Nếu muốn ăn Phở thì bạn đến quán OANH cũng trên đường Lý Tự Trọng
+ Đường Lê Lai ( ngay công viên Lưu hữu Phước, bên tay phải, vào 20 mét là thấy), nổi tiếng về Bánh Bèo, bánh cuốn, bánh tăm bì….. nơi đây rất có uy đó, phải lại sớm nếu không thì không có chổ ngồi hoặc hết hàng.
+ Đường Lê Lợi, nổi tiếng về ” rau má Đâu” tức là rau má xay với đậu xanh, rất ngon; hoặc hủ tiếu “bèo” sau lưng hai quán trên (chỉ bán buổi tối).
+Nếu các bạn nữ thì buổi tối còn có thể vào trong bảo tàng quân khu 9, nằm ngay trên đại lộ Hòa Bình (đối diện K/S Ninh Kiều 2) để thưởng thức món gỏi khô bò và uống sữa đậu nành.
+ Món ” tàu hủ đá” và bánh bột chiên buổi tối bán trong chùa Khmer.
+ Đường 30 tháng 4: mỗi khi đêm xuống có bán rất nhiều thức ăn hủ tiếu, bún bò Huế, chè, hột vịt lộn… Nhưng món ăn đại diện cho con đường này là cháo trắng hột vịt muối hay ăn với cá kho hoặc ăn cả với 2 thứ tùy theo khẩu vị của bạn.
5.Địa điểm du lịch ở Cần Thơ.
Chợ nổi Cái Răng
Cái Răng là một trong những chợ trên sông nổi tiếng ở miền Tây Nam Bộ. Chợ chuyên mua bán các loại trái cây, nông sản của vùng. Sáng sáng, hàng trăm chiếc thuyền lớn bé đậu san sát. Bán sản vật gì người ta treo sản vật đó (treo bẹo) lên cây sào (cây bẹo) trên mũi thuyền vì thế họ không cần phải rao hàng như các chợ trên đất liền.
Vườn Cần Thơ
Các vườn du lịch với cây trái trĩu quả thu hút ngày càng đông khách đến thăm. Tới đây, bạn có thể vừa dạo chơi vừa thưởng thức trái cây ngay tại vườn và các loại đặc sản miền quê khác như cá nướng, ốc luộc, v.v. Hiện có rất nhiều vườn cây trái dành cho khách du lịch như Mỹ Khánh, vườn nhà ông Sáu Dương, vườn lan Bình Thuỷ, vườn vòng cung, trên các tuyến sông Phong Ðiền, Phụng Hiệp và nhiều vườn du lịch gia đình khác ở Ô Môn, Thốt Nốt.
Vườn cò Bằng Lăng
Vườn cò Bằng Lăng – một trong những sân chim lớn nhất nơi miệt vườn chín dòng sông. Trên đường từ Cần Thơ về thành phố Long Xuyên (An Giang), qua khỏi thị trấn Thốt Nốt chừng 5km là đến vườn cò Bằng Lăng. Đi dọc theo bờ sông nhỏ, dưới những hàng cây rợp bóng trước một vùng nước trắng mênh mông như biển, đó là ruộng lúa đã gặt xong vào mùa nước nổi. Tại đây, bạn có thể thấy hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn con cò (cò trắng, cò xám, cò đen, cồng cộc) chao cánh và sà xuống những cành trúc la đà, đong đưa theo gió, rối rít gọi đàn…
Nhà cổ Bình Thủy
Ngôi nhà cổ năm gian hai mái, kiến trúc kiểu Pháp được gia đình họ Dương xây vào năm 1870. Kiến trúc nhà kiểu Pháp với nền nhà cao hơn mặt sân 1m; có bốn bậc thang hình cánh cung tao nhã, nối kết nhà với khoảng sân rộng, trần cao, trang trí hoa văn, mở nhiều cửa lớn nhỏ với khung sắt khá đơn giản giúp nhà thông thoáng, mặt tiền trang trí phù điêu đắp nổi… Toàn bộ gạch bông hoa hồng đỏ – đen lát nền nhà với hàng rào sắt đúc bảo vệ khuôn viên đều được đặt và chở từ Pháp sang. Ðây là mẫu nhà cổ hiếm hoi còn sót lại khá nguyên vẹn giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu đời sống sinh hoạt, văn hoá cũng như tiến trình phát triển dưới tác động khác nhau lúc giao thời giữa hai thế kỷ của cư dân ÐBSCL.
Chùa Ông
Chùa Ông là nơi sinh hoạt tín ngưỡng và văn hoá của người Hoa tại Cần Thơ. Chùa được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1993. Chùa Ông có lối kiến trúc độc đáo được giữ gìn gần như nguyên vẹn từ thuở ban đầu. Chùa được xây dựng năm 1894 – 1896 trên một khu đất có diện tích chừng 532m². Mái chùa lợp ngói âm dương với các gờ bó mái bằng những hàng ngói ống men xanh thẫm, trên bờ nóc có vô số hình nhân đủ màu bằng gốm sứ, lưỡng long chầu nguyệt, cá hoá long, chim phụng, ở hai đầu đao là hai tượng người cầm mặt trời, mặt trăng. Trong chùa thờ Quan Công, một vị tướng thời Tam Quốc, tấm gương về lòng trung hiếu tiết nghĩa và các vị Quan Âm Nam Hải, Thái Bạch tinh quân, Thổ Địa, Đổng Vĩnh…
Chùa Nam Nhã
Chùa do ông Nguyễn Giác Nguyên đứng ra xây dựng năm 1895, theo tông phái Minh Sư nên còn được gọi là chùa Minh Sư. Trước đây, Chùa Nam Nhã là tiệm thuốc bắc Nam Nhã Đường và là nơi liên lạc, hội họp của các sĩ phu trong phong trào đấu tranh chống Pháp. Chùa Nam Nhã là nơi hoạt động của những sĩ phu yêu nước trong tổ chức Việt Nam Quang Phục hội.
Năm 1917, chùa được trùng tu. Sân chùa rộng rãi trồng nhiều cây, giữa sân là hòn non bộ cao hơn 2m. Trong chính điện có bàn thờ sư cụ Giác Nguyên, Lịch Đại Tổ sư, ban thờ Tam giáo với ba pho tượng bằng đồng là tượng Đức Phật Thích Ca, Đức Khổng Tử và tượng Lão Tử. Hai bên chính điện là hai ngôi nhà 5 gian dành cho phái nam và phái nữ ở. Phía sau là khu vườn mộ, nơi yên nghỉ của những người tham gia phong trào Đông Du và xây dựng chùa.
Đến đây bạn không chỉ thưởng thức vẻ đẹp cổ kính, trang nghiêm của chùa, mà còn có thể tìm hiểu những hoạt động sôi nổi của các sĩ phu yêu nước phong trào Đông Du, Đặc ủy Hậu Giang, Xứ ủy Nam Kỳ trong những năm đầu khó khăn gian khổ của cách mạng Việt Nam.
Vị trí: 612 đường Cách Mạng Tháng Tám, phường An Thới, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ.
Chùa Phước Hậu
Ở Tản Nhạn có một ngôi chùa cổ đứng giữa những tán tre già. Ðây là một di tích có tầm quan trọng đặc biệt đối với lịch sử Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX cũng như lịch sử Cách mạng của tỉnh Vĩnh Long và khu Tây Nam Bộ thời chống Mỹ. Giữa thế kỷ XIX nơi đây chỉ là một am nhỏ do các tu sĩ từ miền Trung vào đây lập nên. Nhờ công quả của các vị ấy cùng với dân làng Ðông Hậu qua nhiều lần xây cất, trùng tu chùa Phước Hậu trở thành một thiền điện uy nghiêm. Từ đời Hoà thượng Hoàng Chỉnh khai sơn năm 1910 ngôi chùa là một trong các Tổ đình của Thiền Tông Nam Tế ở Việt Nam.
Vị trí: Từ Thành phố Cần Thơ, xuôi dòng sông Hậu về phía hạ lưu cách thị trấn Trà Ôm không đầy một cây số.
Chợ cổ Cần Thơ
Chợ Cổ Cần Thơ hay gọi là chợ Hàng Dương hay “chợ lục tỉnh”, nằm trên đường Hai Bà Trưng. Chợ này được xây dựng cùng thời với hai ngôi chợ lớn ở Sài Gòn là chợ Bến Thành và chợ Bình Tây. Chợ có một nét rất riêng, rất độc đáo của đồng bằng châu thổ.. đêm đêm ghe chở sản vật từ vùng sâu ra, treo đèn trước mũi lấp lánh cả một khúc sông. Gần đây Thành phố Cần Thơ đã có dự án quy hoạch lại khu chợ cổ Cần Thơ với bến tàu du lịch, nhà chờ, gian hàng lưu niệm cho du khách…
Chợ đêm Tây Đô
Chợ Tây Đô là trung tâm buôn bán lớn của các tỉnh Nam Bộ đồng thời cũng là điểm vui chơi giải trí, du lịch hấp dẫn. Chợ Tây Ðô truớc đây là một chợ đầu mối trung chuyển các mặt hàng với nhiều địa phương trong và ngoài nước. Bên cạnh chức năng trao đổi hàng hoá, tại đây còn có các dịch vụ ẩm thực, giải trí… Do quy mô hoạt động và tầm quan trọng đối với khu vực nên chợ Tây Đô là một trung tâm buôn bán lớn của các tỉnh Nam Bộ.
Vị trí: Chợ Tây Đô cách trung tâm Tp. Cần Thơ khoảng 1km về phía tây sông Hậu, tọa lạc trong khu Hội chợ triển lãm quốc tế Cần Thơ
Bến Ninh Kiều
Vị trí: Bến Ninh Kiều nằm bên hữu ngạn sông Hậu, ngay ngã ba sông Hậu và sông Cần Thơ, gần trung tâm thành phố Cần Thơ, đường Hai Bà Trưng
Bến Ninh Kiều hấp dẫn du khách bởi phong cảnh sông nước hữu tình và vị trí thuận lợi nhìn ra dòng Hậu Giang hiền hòa. Điều hấp dẫn du khách của bến là nhà thủy tạ trên sông. Nhà thủy tạ là một con tàu nổi bồng bềnh nối bờ bằng một đoạn cầu, hai bên cầu có lan can, khách có thể dừng chân đứng hóng gió. Nhà nổi này chính là nhà hàng ăn uống có hai tầng với hàng trăm chỗ ngồi. Khách tới nhà nổi, gọi ly nước ngọt, hoặc một xị rượu nếp than nhắm với món lẩu lươn đặc sản địa phương. Vừa ăn uống, vừa ngắm cảnh sông Hậu. Trên sông đủ loại thuyền ngược thuyền xuôi tấp nập. Bến còn có công viên với nhiều loại cây quý, xanh mướt, là nơi vui chơi và sinh hoạt của người dân.
Lễ hội truyền thống
Lễ hội chùa Ông: diễn ra vào ngày rằm hàng tháng để cúng thánh thần. Tuy nhiên lễ hội tiêu biểu nhất ở chùa Ông là lễ đấu đèn diễn ra 10 năm 1 lần nhằm tạo một văn hóa sinh hoạt địa phương, góp tiền xây nhà tình thương, trường học, nghĩa trang… Lễ đấu đèn diễn ra ngay trong chánh điện của chùa Ông, mọi người đều có thể tham gia để được sở hữu chiếc đèn mình yêu thích. Theo quan niệm của người Hoa, được sở hữu chiếc đèn lồng từ lễ hội 10 năm mới có một lần này tượng trưng cho sự may mắn, thành đạt, vinh hoa.
Lễ hội đình Bình Thủy: ngoài việc cúng tế vào ngày rằm mỗi tháng và tết Nguyên Đán. Một năm đình còn có 2 kỳ lễ hội lớn gắn liền dấu ấn sản xuất nông nhiệp. Lễ thượng điền để cúng đất đai bắt đầu vụ mùa mới vào ngày 14/4 và 15/4 âm lịch và lễ hạ điền để tạ ơn và cúng ruộng đồng nghỉ ngơi vào ngày 15/12 âm lịch. Quy mô tổ chức lễ hội của đình tùy thuộc vào làng giàu hay nghèo, năm trúng mùa hay thất mùa.
6.Quà mua về
Du khách có thể dễ dàng mua các món hàng sau để làm quà cho người thân, bạn bè: trái cây các loại (cam, dâu, sầu riêng, mít, ….), rượu mận, bánh tét lá cẩm, khăn rằn Nam bộ, hủ tiếu khô và các loại cá khô.